CHUYỆN THUỞ GIAO THỜI (Huỳnh Tâm tường thuật)

Giới thiệu tác phẩm mới của nhà văn Tiểu Tử


Tác phẩm mới "Chuyện Thuở Giao Thời" của nhà văn Tiểu Tử được trình làng vào lúc 13 giờ 30 ngày mùng 3 tháng 1 năm 2015 tại Nhà thờ Choisy, như tên gọi quen thuộc của phần đông Người Việt Nam ở Pháp và Paris, tên chánh thức là Eglise Sainte Hippolyte (Salle de la Roulotte), số 27, Avenue de Choisy, 75013 Paris.


Không ai ngờ hình ảnh của buổi chiều mùa Đông Paris hôm ấy lại tuyệt đẹp đến như vậy. Người ta chợt có cảm tưởng như nay là mùa Xuân giá lạnh. Buổi giới thiệu « Chuyện Thuở Giao Thời » của Tiểu Tử do Ái hữu Đại học Sư phạm Sài Gòn tổ chức với sự yểm trợ của các hội: Ái hữu Gia Long Paris, Ái hữu Petrus Ký Pháp, Ái hữu Petrus Ký Âu Châu, Ái hữu Hải Quân-Hàng Hải VNCH, Câu lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Paris, Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Tự Do tại Pháp và Gia đình KH Cao Niên. Phải nói buổi sanh hoạt «chữ nghĩa» hôm ấy được tổ chức bởi một Ban Tổ chức rất hùng hậu. Một vìệc rất hiếm ở Paris từ khá lâu. Và một điều vô cùng quan trọng nữa, rất đáng ghi nhận như một biến cố đã phá mất đi cái tập quán kiên cố của bà con ta xưa nay «Không đi trễ, không phải Vìệt nam», buổi hôm ấy khai mạc đúng 1giờ 45 như ghi trong Thư Mời.

Một thành công ngoài mong đợi


Thời tiết mùa đông, trời mưa, mới mùng 3 Tết, phần lớn bà con còn thiếm xực Tết vì Tết chỉ vừa mới qua, vậy mà Salle de la Roulotte của Nhà thờ Choisy khá rộng lại chật cứng người. Trên trăm người tham dự. Số người đi trễ theo thói quen, mời 1 giờ 30, tới 2 giờ là vừa, phải đứng và đứng cả ngoài hành lang. Nhưng tất cả đều vui vẻ và ở lại cho tới bế mạc. Đây cũng lại là một hiện tượng không bình thường của bà con ta nữa vì, xưa nay, không ít người tới cho có mặt, rồi đi sớm. Người ta tự hỏi phải chăng vì ngưỡng mộ nhà văn, đã đọc qua các tác phẩm trước như «Những Mảnh Vụn», «Bài Ca Vọng Cổ», «Chị Tư Ù» của Tiểu Tử? Hay vì cảm tình sâu đậm với Ban Tổ chức bởi những Hội Ái hữu này có một quá trình sanh hoạt chung với nhau lâu đời ở Paris? Hay vì chương trình Văn nghệ hấp dẫn do nghệ sĩ của «Hội KH Cao niên» Paris trình diễn? Cứ nhìn tên các Hội, thì Hội nào cũng là Hội của hội viên phải trước 30/04/1975. Tính ra có phải hội viên nào cũng đã ăn lễ Lục tuần rồi nếu không đã qua «Thất thập cổ lai hi»? 
Thật tình phải thừa nhận buổi giới thiệu sách của Tiểu Tử hôm ấy thành công ngoài sự mong đợi. Chính Ban tổ chức đã không dám chủ quan mướn phòng lớn hơn. 
Trước khi bế mạc, nhà thơ Đỗ Bình phát biểu cảm tưởng cũng nhìn nhận buổi lễ hôm ấy thành công ngoạn mục. Theo ông, một người có nhiều kinh nghiệm về «Ra mắt sách», đã không dám tổ chức ở Paris, mà phải qua tận Thủ đô Tỵ nạn ở Cali, Huê kỳ, để tổ chức ra mắt sách của ông và Nhạc sĩ Lê Mộng Nguyên. Ông còn nhấn mạnh ở Mỹ, nơi có đông đảo người Việt như vậy, mà đôi khi «Ra mắt sách» có không quá mươi người tham dự. Người ta sợ thất bại nên phải đưa vào tiệm cà-phê tổ chức với nhau!
Một buổi chiều mùng 3 Tết
Tất cả mọi người tới tham dự đều cảm thấy hài lòng. Có cả độc giả trẻ đến từ vài quốc gia lân cận của Âu Châu bằng xe nhà. Xin mời bạn đọc xem photo dưới đây để hình dung được không khí đầy ắp tình cảm nồng nàn của mọi người dành cho nhà văn Tiểu Tử cũng như đã đồng thời hưởng ứng Thư mời của Ban Tổ chức. 
Đặc biệt có nhiều diễn giả quen thuộc trong Cộng đồng Người Việt Paris được Ban Tổ chức mời phát bìểu về tác giả và tác phẩm.


Quang cảnh hội trường buổi giới thiệu sách CTGT của Tiểu Tử

Vài hàng về Nhà văn Tiểu Tử 


Nhà văn Tiểu Tử tên thật là Võ Hoài Nam. Từ lâu nay, ông vốn là người bạn thân của đông đảo độc giả, không riêng của người Việt Nam tại Paris, mà ở trên khắp thế giới. Cả ở Việt nam nhờ hệ thống internet. Khi đã đọc qua Tiểu Tử, người đọc thường khó quên văn của ông, nhứt là những câu chuyện của ông. Đó là những mẫu chuyện thật trong đời sống của ngưòi dân Việt nam sau ngày mất nước. Nó thấm sâu vào tâm tư của mọi độc giả, mãi mãi ở lại với độc gìả. Như "Thằng Jean, Con Mén, Made in Việt nam, Chị Tư Ù, Con Rạch quê mình,…". 
Từ đó, có thể khẳng định tên Tiểu Tử được đông đảo bà con người Việt ở khắp nơi quen biết, thân tình hơn là tên của người thật. 
Ông Võ Hoài Nam năm nay hưởng được lộc trời 84 năm. Thọ nhưng chưa tới Thượng Thọ theo thang tuổi Thọ ngày nay. Thượng Thọ phải từ 120 tuổi. Huỳnh Tâm kính chúc ông ung dung hưởng Thượng Thọ. Để viết thêm nhiều chuyện nữa. 
Ông tốt nghiệp kỷ sư Điện ở Marseille và về nước vào giữa thập niên 50. Những năm đầu, ông dạy Lý Hóa ở Trường P.Ký. Sau đó làm việc cho hãng xăng Shell. 
Ông viết nhiều và có sách xuất bản từ mười mấy năm nay, sau khi ông nghỉ hưu. Trước 1975, ở Sài gòn, ông có viết chuyện biếm cho vài nhựt báo bạn. Giờ rảnh, ông học vẽ và ông có khá nhiều tranh. Gần đây, ở Pháp, ông có đem tranh tham dự nhiều cuộc triển lãm. Trong giới mê tranh, không ít người yêu tranh của ông.
Chúng tôi bước vào phòng họp đúng lúc chương trình vừa bắt đầu. Bà TTH, chủ biên Trang Web Đại Học Sư Phạm Sài gòn, thay mặt Ban Tổ chức, vắn tắt cám ơn quan khách tham dự và các hội đoàn yểm trợ. 
Kế đó, Dược sĩ Joseph Huỳnh cho biết tại sao ông không phải nhà văn, không phải nhà xuất bản mà lại nhận in sách « Chuyện Thuở Gìao Thời » cho Tiểu Tử. Ông nêu lên ý rất tế nhị và vô cùng đẹp, tuy mới nghe qua như nó không rõ nghĩa lắm «Ông chọn làm việc này mà thật ra không phải chọn lựa» . Ông cắt nghĩa « chọn lựa » là làm vìệc bằng cái đầu còn ông đã nhận lãnh làm mà không chọn lựa bởi vì ông đã hành động theo con tim của mình. Ông đảm nhận việc in ấn chỉ vì muốn sách của Tiểu Tử phải được phổ biến. Tuy số luợng ít nhưng nó sẽ được lưu lại với thời gian. Một ngày kia, có người bắt được đọc qua, sẽ rung động theo nhịp tim của tác giả, sẽ thấy văn chương của Việt nam thực sự không phải là thứ văn chương "theo định hướng" đang được lưu hành rộng rãi ở Việt nam ngày nay, tức là thứ "văn chương xã hội chủ nghĩa". 
Tiếp theo, các ông Nguyễn văn Trần, Từ Thức, Phạm Hữu Thành và Trần Thanh Hiệp lần lượt nhận xét và đánh giá tác phẩm và văn chương của Tiểu Tử. 
"...Ai cũng nhìn nhận văn và truyện của Tiểu Tử rất đặc biệt, nó dành cho Tìểu Tử một chỗ đứng nhứt định trong văn học Việt nam. Ông viết về đời sống thực tế của Nam kỳ, nhơn vật đặc sệt Nam kỳ, khung cảnh xã hội cũng Nam kỳ. Nhứt là lời văn hoàn toàn không ảnh hưởng Tự Lực Văn Đoàn, mà cũng không quá Sài gòn, nó như mang hơi hướng một Sơn Nam, một Bình Nguyên Lộc, một Lê Xuyên..." (Nguyễn Văn Trần).
"...Văn của Tiểu Tử bình dị, mộc mạc của người miền Nam, dù độc giả chai đá tới đâu, khi đọc Tiểu Tử cũng không cầm được nước mắt. Người ta khóc, nhưng sau đó thấy ấm lòng, vì thấy trong xã hội đảo lộn, vẫn còn tình người, vẫn còn đầy thương yêu, vẫn còn nghĩa đồng bào và thấy đời còn đáng sống. Văn chương, trước hết là xúc động. Trong truyện ngắn của Tiểu Tử, sự xúc động hầu như thường trực..." (Từ Thức). 
"… Những truyện ngắn của nhà văn Tiểu Tử hầu hết là những chuyện thật thương tâm, đầy nước mắt của người dân miền Nam sau ngày "cách mạng thành công" với bao cảnh đọa đày, bất công, áp bức... khi đọc truyện Tiểu Tử tôi như sống lại những hình ảnh làng quê của một thuở thanh bình êm ấm, thuở mà người dân còn biết lấy đạo đức, lễ nghĩa để cư xử với nhau...tất cả lại hiện ra rõ ràng trong tâm trí tôi, khiến tôi bồi hồi xúc động..." (Phạm Hữu Thành).
Cụ Trần Thanh Hiệp, một trong những người chủ trương tạp chí Sáng Tạo của thập niên 1950/1960 ở Sài gòn, nguyên Chủ tịch sáng lập Văn-Bút Việt-Nam Hải Ngoại, phát biểu : "… Những diễn giả vừa phát biểu đã lấy hết suy tư của tôi, mỗi người mỗi ý quá phong phú, riêng tôi muốn đề cập một khung cửa Văn học, sử học và hiện tượng sống qua ngôn ngữ, rung cảm trong một tác phẩm văn học quốc ngữ Việt Nam, từ văn viết đến văn nói, … và đọc sách mua sách cũng là một hành động văn học. Hiện nay trên thế giới có 5000 ngôn ngữ, trong tương lai chỉ còn 2500 ngôn ngữ, tôi tin rằng ngôn ngữ Việt Nam vẫn còn tồn tại bởi trong ngôn ngữ Việt có sự tiếp nối và gắn sâu liền cuộc sống như sự trưởng thành của cây Bần, cây Đước bám sâu vào đất (Tiểu Tử). Tổng hợp những tác phẩm của Tiểu Tử kể chuyện văn biếm đời, văn biếm trong hội họa về những bối cảnh của quê nhà, sau ngày miền Nam Việt Nam bị Cộng sản cưỡng chiếm. Quả thực lịch sử hiện nay do những người vô danh làm nên cách mạng và văn chương cũng thế...".
Tác giả "Chuyện Thuở Giao Thời với thân hữu" Trước hết chào quý anh chị em và ban tổ chức đã tạo điều kiện cho tôi được hiện diện nơi đây và sự gặp nhau trong lòng chân thành, tình này, kính xin đa tạ. Thưa quý anh chị em, những gì tôi muốn trình bày ở đây đều đã có những diễn giả trình bày đầy đủ suy tư và cô đọng trong những tác phẩm của tôi. 
Nhân dịp này tôi xin kể chuyện đời của tôi vừa trải qua 84 năm. Tôi bị bệnh tim, sau đó thay «van» động mạch chủ, phải giải phẩu mổ lồng ngực, cũng may tôi qua khỏi bệnh, rời giường bệnh về nhà. Nhớ lại thuở ấu thơ, tôi bật tiếng cười... khi mình còn nhỏ cha mẹ dìu dắt từng bước một, tập đi chập chững, mỗi bước đi cả nhà đều vui mừng, vỗ tay khuyến khích. Và sau 84 năm, tôi cũng bắt đầu tập đi từng bước một như thời thơ ấu, lần này vợ con tôi dìu dắt tập tôi đi từng bước một, cho đến nay đi khá vững và ngồi được lâu (như trong ngày giới thiệu sách "Chuyện Thuở Giao Thời". Như vậy tôi đã có hai lần tập đi trong đời, rất lý thú...".
Các bà tranh nhau tới đứng gần tác giả "Chuyện Thuở Giao Thời" chụp hình kỷ niệm ngày vui hôm nay.
Rất cảm động. Một buổi chiểu mùa Đông mà ấm áp như mùa Xuân. Thật đúng!

Hội Ca Hát Cao niên Paris tiếp tục trình diễn phần văn nghệ với các bản tân nhạc (có múa phụ diễn) và các bài vọng cổ. 
Sau cùng, các bà biết Tiểu Tử biết ca vọng cổ nên yêu cầu ông ca cho hội trường nghe một câu mà thôi. 
Hôm nay là lần đầu tiên, kể từ sau khi mổ tim, ông ngồi suốt bốn giờ liền mà chưa thấy mệt. Bịnh tim thường do ảnh hưởng ngoại cảnh. Tiểu Tử cất tìếng đờn miệng để bắt nhịp vô vọng cổ. Ông ca một đoạn trong bài "Đường về quê ngoại". Tuy sức còn yếu nhưng ngoại cảnh giúp sức, ông xuống câu cũng mùi tận mạng. 
Cả hội trường, nhứt là các bà, ai cũng nhiệt liệt vổ tay tán thưởng. Muốn yêu cầu ca tiếp câu nữa, nhưung bà con không dám… Văn nghệ cho tới bế mạc để trả lại phòng họp vào 17 giờ.




Huỳnh Tâm 
(hình của Huỳnh Tâm)


* Huỳnh Tâm là tác giả của loạt bài biên khảo về Hồ chí Minh / Hồ Tập Chương và sự xâm lăng của Tàu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét